QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN TÁC PHẨM “CÁ VOI”.

(Bài & ảnh Phạm Thị Hồng Sâm)

Rác thải nhựa từ lâu nay vẫn luôn là một mối đe dọa đối với môi trường sống của tất cả các loài vật trên Trái đất.

Dưới đây là hai bức ảnh gây ám ảnh về ảnh hưởng khủng khiếp của rác thải nhựa do con người thải ra môi trường đối với các loài vật. (ảnh minh họa từ internet)

Xác 1 con hải âu bị chết do ăn phải quá nhiều rác thải nhựa không thể tiêu hóa. Chú rùa biển bị mắc kẹt trong chiếc vòng nhựa từ khi còn nhỏ, cơ thể đã bị biến dạng vĩnh viễn.

Những sinh vật biển từ lâu đã là nạn nhân của ô nhiễm Môi trường. Không chỉ có những sinh vật nhỏ, mà ngay cả loài to lớn như cá voi cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp xác cá voi dạt lên bờ trong ruột chứa đầy túi nilon và các loại rác thải nhựa.

Cá Voi là một loài động vật đặc biệt. Chúng có cơ thể khổng lồ nhưng sự tồn tại lại rất mong manh – luôn nằm trong danh sách những động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

RÁC XUÂN 2018 – một triển lãm Mỹ thuật  với những tác phẩm tạo hình đề cao sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Khi tham gia Triển lãm này, tôi có ý tưởng kết các cành đào rác thành hình một chú Cá Voi.

Sau vài ý tưởng về vị trí đặt tác phẩm, phác thảo Cá Voi bơi xuyên qua cột khu nhà B được duyệt.

Đầu tiên, tôi vẽ phác hình Cá Voi bằng phấn trên sân theo tỉ lệ 1:1.

Tiếp theo, 1 thợ hàn uốn sắt theo vạch phấn và hàn phần khung.

Lựa chọn các cành nhỏ và thẳng để đan phần thân cá.

Để tạo hình một chú Cá Voi có “bộ lông mượt”, tôi tận dụng những cành đào vụn, bó lại bằng dây thép. Việc này mất khá nhiều thời gian, nhưng vừa tận dụng được nguyên liệu, vừa tạo được hiệu quả thị giác mà tôi mong muốn.

Ngay từ khi hình thành phác thảo, tôi đã nghĩ đến việc nên sử dụng vật gì làm mắt cá cho phù hợp nhất. Đáy chai nhựa đựng nước là vật liệu đạt hiệu quả thị giác trong và bóng như mắt cá, lại có ý nghĩa kêu gọi bảo vệ môi trường.

Hãy hình dung việc một sinh vật biển ăn phải quá nhiều rác thải nhựa, đến mức một phần cơ thể nó cũng đã hóa nhựa.
Nếu cứ tiếp tục đối xử với thiên nhiên như hiện nay, đó sẽ là một tương lai cho tất cả chúng ta.

Vỏ chai được cố định vào các phần còn lại bằng cách xuyên dây thép qua.

Trong quá trình làm việc, kìm và găng tay len là công cụ không thể thiếu.

Các nghệ sĩ giúp tôi cố định tác phẩm vào vị trí.

Bổ sung thêm cành cho phần đầu cá.

Tác phẩm “Cá Voi” đã hoàn thành.

“Cá Voi” cùng các tác phẩm khác trong ngày khai mạc Triển lãm RÁC XUÂN 2018.

Hy vọng tác phẩm của tôi sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người. Chúng ta hãy cùng hạn chế sử dụng túi nilon, hộp xốp, các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, chai nhựa…


“CÁ VOI” đã được trưng bày tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội đến giữa năm 2021.
Thời điểm các tòa nhà của Viện được đập đi để xây dựng lại, tôi cũng phải chuyển xưởng sang địa điểm khác. Không có điều kiện về không gian lưu trữ nên dù rất tiếc, tôi đành để tác phẩm này bị phá dỡ cùng tòa nhà B.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN